Tất Tần Tật Về Các Vị Trí Trong Nghề Bếp - Chefbiz
Tất Tần Tật Về Các Vị Trí Trong Nghề Bếp - Chefbiz

Nghề đầu bếp được xem là nghề có nhiều cơ hội phát triển ở trong nước và quốc tế bởi nhu cầu của thị trường ngày càng lớn. Nếu bạn là người mới tìm hiểu và muốn có cái nhìn tổng quan về ngành nghề thú vị này thì đây là bài viết dành cho bạn.

 

01. Tầm quan trọng của người làm nghề đầu bếp

Người đầu bếp có vai trò quan trọng đối với các nhà hàng, khách sạn hay cơ sở nấu ăn. Họ là người sở hữu lượng kiến thức phong phú về ẩm thực và kỹ thuật chế biến xuất sắc. Người theo nghề đầu bếp sẽ chịu trách nhiệm trong khâu chuẩn bị, chế biến và trang trí món ăn.

Người đầu bếp có vai trò quan trọng và chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong các nhà hàng
Người đầu bếp có vai trò quan trọng và chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong các nhà hàng

02.Tiêu chuẩn, yêu cầu để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp

Để theo nghề đầu bếp, người học phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm, cụ thể như:

Kiến thức

Bạn cần trang bị kiến thức ẩm thực trong nước và quốc tế, văn hóa vùng miền, công thức và cách chế biến của từng loại món ăn. Ngoài ra, bạn cần hiểu sự khác nhau về gu ẩm thực của các thực khách theo vùng miền, ý nghĩa của từng món ăn để có thể giới thiệu chúng đến các khách hàng.

Ham học hỏi

Một trong những tiêu chuẩn cần có khác ở người đầu bếp là tinh thần ham học hỏi bởi đây là nghề có tỉ lệ cạnh tranh cao và áp lực lớn. Bạn phải liên tục học hỏi để cập nhật các kiến thức mới về món ăn, công nghệ chế biến mới trên thế giới.

Kỹ năng sáng tạo

Nếu người đầu bếp chỉ nấu ăn theo công thức được học thì chưa đủ. Bạn cần có kỹ năng sáng tạo trong công thức nấu, kỹ thuật chế biến lẫn cách trình bày để có thể mang đến cho khách hàng các món ăn độc đáo và mang dấu ấn cá nhân.

Kỹ năng sáng tạo là một trong những tiêu chí quan trọng nếu bạn muốn theo nghề đầu bếp
Kỹ năng sáng tạo là một trong những tiêu chí quan trọng nếu bạn muốn theo nghề đầu bếp

Kỹ năng tổ chức và quản lý công việc

Quản lý và tổ chức là những kỹ năng buộc phải có ở người đầu bếp. Là một đầu bếp chuyên nghiệp, bạn phải làm việc dưới áp lực lớn vì vậy khả năng điều phối và sắp xếp công việc tốt sẽ giúp các đầu bếp hoàn thành món ăn theo đúng thời gian quy định mà vẫn giữ được chất lượng.

Kỹ năng lập kế hoạch

Kỹ năng lập kế hoạch sẽ giúp bạn sắp xếp quy trình chế biến một cách trôi chảy nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của món ăn. Kỹ năng lập kế hoạch sẽ càng cần thiết nếu bạn có mục tiêu trở thành bếp trưởng.

Kỹ năng quản lý tài chính

Khi nấu ăn, ngoài việc nỗ lực để nấu thật ngon, bạn cần có kỹ năng quản lý tài chính tốt. Với kỹ năng quản lý tài chính, bạn có thể kiểm soát được chi phí nguyên liệu để có thể giảm giá thành món ăn và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

03. Phân loại và mô tả các vị trí trong nghề đầu bếp

Để có thể hoàn thành xuất sắc món ăn, các nhà hàng cần đến một đội ngũ đầu bếp có tay nghề cao và các vị trí hỗ trợ khác. AZ Careers & Training mời bạn tìm hiểu chi tiết các vị trí trong nghề bếp:

Bếp trưởng điều hành (Executive Chef)

Bếp trưởng điều hành có vai trò giám sát, chỉ đạo tổng quát các bộ phận khác đồng thời cũng là người đặt ra các tiêu chuẩn, công thức cho từng món ăn trong thực đơn. Tổng bếp trưởng cũng sẽ là người hướng dẫn quy trình làm việc và quản lý chất lượng thành phẩm của toàn bộ phận bếp.

Bếp trưởng chịu trách nhiệm trong việc giám sát và đặt ra các công thức nấu ăn
Bếp trưởng chịu trách nhiệm trong việc giám sát và đặt ra các công thức nấu ăn

Trợ lý của bếp trưởng điều hành (Secretary to Executive Chef)

Trợ lý bếp trưởng điều hành sẽ giúp bếp trưởng điều phối các hoạt động trong khu vực bếp và quản lý các nhân viên trong bếp. Trợ lý bếp trưởng cũng cần có các kiến thức về kỹ thuật nấu ăn, quy trình, nguyên tắc trong chế biến. Họ cũng là người có khả năng quản lý thời gian và đào tạo để hỗ trợ nhân viên bếp.

Bếp trưởng bộ phận (Head Chef)

Bếp trưởng bộ phận sẽ chịu trách nhiệm cho một khu bếp nhất định trong nhà hàng hoặc họ cũng có thể thay mặt bếp trưởng quán xuyến công việc. Để đảm nhận vị trí này, bếp trưởng bộ phận cần có chuyên môn vững để giám sát việc nấu nướng, lên danh sách đơn hàng, quản lý nhân viên.

Bếp phó (Sous Chef)

Bếp phó là người phụ trách việc chuẩn bị, chế biến, trình bày các món ăn. Họ cũng giúp bếp trưởng trong việc quản lý nhân viên bếp, quản lý nguyên liệu và các thiết bị của nhà hàng. Tùy theo nhà hàng mà bếp phó có thể được giao công việc riêng hoặc theo sự chỉ đạo của bếp trưởng.

Tổ trưởng tổ bếp (Station Chef)

Tổ trưởng tổ bếp là người chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn nhân viên trong tổ bếp và đảm bảo được các nhân viên đều tuân thủ những tiêu chuẩn trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Họ cũng có thể giúp bếp trưởng quản lý nguyên liệu và thiết bị của nhà hàng. Ở các nhà hàng lớn, tổ trưởng tổ bếp còn được chia thành nhiều nhánh khác nhau, cụ thể như sau:

  • Sauce Chef (Tổ trưởng nhóm nước sốt): Tổ trưởng nhóm nước sốt sẽ chịu trách nhiệm về công thức của các loại nước sốt, nước thịt đi kèm các món ăn. Họ sẽ báo cáo trực tiếp cho Bếp chính hoặc Bếp phó.
  • Butcher Chef (Tổ trưởng nhóm thịt): Tổ trưởng nhóm thịt sẽ phụ trách chuẩn bị thịt và chuyển thịt đến các nhóm bếp cần nguyên liệu này. Khi nhà hàng thiếu nhân sự, họ cũng có thể hỗ trợ chế biến thịt.
  • Fish Chef (Tổ trưởng nhóm cá): Tổ trưởng nhóm cá có vai trò chuẩn bị cá và hải sản. Ở các nhà hàng có quy mô nhỏ, Butcher Chef có thể đảm nhận vai trò của Fish Chef.
  • Roast Chef ( Tổ trưởng nhóm nướng trong lò): Tổ trưởng nhóm nướng trong lò sẽ phụ trách các món nướng trong lò, các món thịt khô, thịt quay.
  • Grill Chef (Tổ trưởng nhóm nướng trên lửa): Khác với Roast Chef, Grill Chef chuyên chuẩn bị các loại thức ăn trên vỉ nướng.
  • Fry Chef (Tổ trưởng nhóm chiên): Tổ trưởng nhóm chiên sẽ chuyên phụ trách các món chiên.
  • Pantry Chef (Tổ trưởng nhóm món lạnh): Người phụ trách vị trí này sẽ chịu trách nhiệm trong việc chuẩn bị các món ăn lạnh như salad, các món gỏi, cuốn.
  • Pastry Chef (Tổ trưởng nhóm bánh): Pastry Chef trong các nhà hàng sẽ phụ trách tất cả các loại bánh ngọt và món tráng miệng.
  • Chef de Tournant (Đầu bếp cơ động): Ở vị trí này, người đảm nhận không có một công việc cụ thể mà sẽ được phân công nhiệm vụ khi cần tại các bộ phận khác nhau trong bếp.
  • Vegetable Chef (Tổ trưởng nhóm rau): Tổ trưởng ở vị trí này sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị rau, súp, tinh bột và trứng. Ở các nhà bếp lớn hơn, vai trò này có thể chia thành Potager (người phụ trách nấu súp) và Legumier (người phụ trách chuẩn bị tất cả các loại rau).

Tổ phó tổ bếp (Demi Chef)

Tổ phó tổ bếp có vai trò kiểm tra món ăn nhằm đảm bảo thành phẩm được chế biến đúng quy trình, công thức, đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng, thẩm mỹ. Tổ phó tổ bếp cũng chịu trách nhiệm về vệ sinh khu vực bếp, quản lý tài sản trong bếp, hỗ trợ giám sát và điều hành công việc cho tổ trưởng tổ bếp.

Nhân viên bếp (Junior Chef)

Nhân viên bếp sẽ là người trực tiếp thực hiện các công việc hàng ngày của bộ phận bếp như sơ chế nguyên liệu, chuẩn bị dụng cụ, vệ sinh khu vực và chế biến món ăn. Nhân viên bếp sẽ làm việc dưới sự điều phối của tổ trưởng tổ bếp.

Phụ bếp (Kitchen Porter)

Phụ bếp sẽ chuẩn bị và vệ sinh dụng cụ, sơ chế nguyên liệu. Đây là vị trí khá đơn giản và cần phụ bếp phải trau dồi tay nghề lẫn kiến thức rất nhiều để trở thành đầu bếp.

Nhân viên rửa chén bát (Dishwasher)

Nhân viên rửa chén bát sẽ là người dọn dẹp và vệ sinh các vật dụng trong khu vực bếp, phân loại và sắp xếp vào đúng vị trí cần thiết và bảo vệ các vật dụng không bị trầy xước, sứt mẻ hoặc đổ vỡ.

Bồi bàn hay Nhân viên phục vụ bàn (Waiter/Waitress)

Nhân viên phục vụ sẽ là người tương tác trực tiếp với khách hàng. Họ sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu của khách hàng và giới thiệu các món ăn đến cho khách. Bồi bàn cũng là người giúp khách hàng cảm nhận được chất lượng dịch vụ, chất lượng tại nhà hàng.

Trưởng nhóm tạp vụ bếp (Chief Steward)

Ở vị trí này, trưởng tạp vụ bếp sẽ giám sát hoạt động hàng ngày của tổ tạp vụ nhằm đảm bảo các khu vực trong bếp đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh của thương hiệu và các chính sách của địa phương.

Trợ lý tạp vụ Bếp (Assistant Chief/Steward/Steward Supervisor)

Trợ lý tạp vụ bếp sẽ hỗ trợ trưởng tạp vụ trong việc quản lý, chia ca đội nhân viên tạp vụ, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trong việc vệ sinh các khu vực trong nhà ăn, khu vực bếp, khu vực nhà hàng.

Tổ trưởng bộ phận tạp vụ (Steward Captain)​

Tổ trưởng tổ tạp vụ sẽ giám sát công tác chuẩn bị các nguyên vật liệu, trang thiết bị bếp trước khi các đầu bếp sử dụng, quản lý việc tiếp nhận và lưu trữ hàng hoá của bếp, giám sát việc vệ sinh và bảo quản các cơ sở, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ.

Nhân viên tạp vụ (Stewarding)

Nhân viên tạp vụ trong nhà hàng sẽ là người trực tiếp vệ sinh môi trường làm việc của các đầu bếp. Họ sẽ giúp nhà hàng duy trì một môi trường làm việc an toàn.

04. Nghề đầu bếp có tương lai không ? Tiềm năng phát triển của ngành bếp ?

Câu trả lời đơn giản là có !

Hiện nay tại Việt Nam, đầu bếp là một trong những nghề nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội thực tập và định cư nước ngoài ở các quốc gia Canada, Úc, Mỹ, Châu Âu. Ví dụ, theo báo Thanh Niên đưa tin, ông Demetrios Jim Rigogiannis chia sẻ riêng thành phố Melbourne (Úc) hiện đang cần hơn 2.000 đầu bếp.

Ngoài ra, số nhân sự làm việc trong lĩnh vực bếp tại Úc tăng nhanh trong 5 năm vừa qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 5 năm tới. Mức tăng sẽ dao động từ 94.400 người năm 2020 đến 112.700 người vào năm 2025 với mức lương từ 60.000 đô la Úc/năm trở lên đối với những người thạo tiếng Anh và tay nghề.

Hiện tại, Úc vẫn đang còn là đất nước thiếu hụt nhân lực ngành bếp. Nhiều nhà hàng buộc phải đóng cửa vì không có nhân viên làm việc. Ông Jim Rigogiannis dự đoán đây sẽ là cơ hội nghề nghiệp lớn cho các nguồn lao động nhập cư Việt Nam.

Ngành bếp thuộc top 20 ngành nghề khá nhân lực tại Úc (2022-2032)
Ngành bếp thuộc top 20 ngành nghề khát nhân lực tại Úc (2022-2023)

Ngoài ra, nếu bạn muốn làm việc trong nước thì nghề đầu bếp là một trong những ngành hot tại Việt Nam hiện nay, bởi du lịch, ẩm thực Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Các nhà hàng, khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng đang ngày càng mở rộng quy mô, nhu cầu về đầu bếp chuyên nghiệp càng tăng cao.

Ngoài ra, với sự phát triển của internet và mạng xã hội, nghề đầu bếp được nhiều người quan tâm và đánh giá cao. Các chương trình ẩm thực trên truyền hình, hay YouTube, Facebook, Tiktok luôn thu hút sự chú ý lớn từ khách hàng, người tiêu dùng

Điểm đặc biệt của nghề đầu bếp tại Việt Nam là sự đa dạng và phong phú của ẩm thực địa phương. Từ Bắc vào Nam, mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng về ẩm thực. Do đó, việc học hỏi và nghiên cứu các món ăn của từng vùng miền khác sẽ giúp cho đầu bếp có nhiều cơ hội phát triển và tạo nên thế mạnh riêng của từng đầu bếp

Với những yếu tố trên, nghề đầu bếp tại Việt Nam đang có sự phát triển rất tốt và có tiềm năng rất lớn trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây